CHỨC NĂNG VÀ NHIỆM VỤ CỦA PHÒNG ĐÀO TẠO
(Ban hành kèm theo Quyết định số 133/QĐ-TĐHHT ngày 01/3/2017
của Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Tĩnh)
A. CHỨC NĂNG
Tham mưu và giúp hiệu trưởng trong công tác đào tạo đại học hệ chính quy bao gồm công tác tuyển sinh, tổ chức quản lý đào tạo, xây dựng chương trình đào tạo và xây dựng chương trình mở ngành đào tạo mới; xét, công nhận tốt nghiệp cho người học.
B. NHIỆM VỤ
1. Tham mưu hoạch định chiến lược phát triển đào tạo, các mục tiêu và định hướng phát triển các trình độ và loại hình đào tạo, cơ cấu ngành nghề, chương trình đào tạo và các nguồn lực phục vụ đào tạo
2. Xây dựng văn bản quản lý công tác đào tạo đại học, soạn thảo, trình Hiệu trưởng ký ban hành theo thẩm quyền hoặc chuẩn bị để Hiệu trưởng trình cơ quan quản lý cấp trên các văn bản quy chế, quy định, đề án liên quan đến công tác đào tạo đại học (bao gồm cả các văn bản liên quan tới kinh phí đào tạo).
3. Chủ trì xây dựng kế hoạch, tổ chức và quản lý các hoạt động đào tạo đại học hệ chính quy trong Trường.
Lập kế hoạch thời gian đào tạo theo năm học, khóa học cho toàn Trường, lập thời khoá biểu theo học kỳ cho các ngành đào tạo đại học hệ chính quy. Xây dựng kế hoạch sử dụng các phòng học sử dụng chung toàn trường.
4. Tổ chức xây dựng và quản lý chương trình đào tạo đại học; Hướng dẫn, tổ chức thẩm định hồ sơ mở ngành hoặc chương trình đào tạo mới; cập nhật các chương trình đào tạo đại học. Phối hợp với Phòng Quản lý Khoa học và các khoa, bộ môn chuyên môn lập kế hoạch và tổ chức xây dựng giáo trình mới, lựa chọn giáo trình, phối hợp với Thư viện lập kế hoạch mua giáo trình.
5. Xây dựng phương án và kế hoạch tuyển sinh; phối hợp với Phòng Đối ngoại và Truyền thông và các đơn vị trong và ngoài trường: Tổ chức xúc tiến, giới thiệu và tổ chức quảng bá, truyền thông các ngành đào tạo; tư vấn tuyển sinh đối với các hệ đào tạo đại học chính quy; Tham gia theo dõi, đề xuất Hiệu trưởng chỉ đạo thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt. Lưu trữ bài thi và kết quả thi, thực hiện các nhiệm vụ sau tuyển sinh.
6. Chủ trì, Phối hợp với Phòng CTHSSV và các khoa chuyên môn, tổ chức tiếp nhận thí sinh trúng tuyển, sắp xếp, bố trí sinh viên vào các lớp.
Lập cơ sở dữ liệu và quản lý, lưu trữ hồ sơ liên quan đến học sinh, sinh viên.
7. Chủ trì tập huấn, phổ biến: quy chế, kế hoạch, chương trình học tập, thi, kiểm tra, đánh giá cho người học; phối hợp với cố vấn học tập xử lý học vụ thường xuyên.
8. Phối hợp với Phòng Thanh tra, ĐBCL tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt giảng dạy, thực hiện chế độ công tác giáo viên; chấp hành quy chế đào tạo của sinh viên, học sinh.
9. Quản lý kết quả học tập: Thực hiện các quy trình cho sinh viên đăng ký học tập, đăng ký xét tốt nghiệp; lập danh sách các lớp học và các loại bảng ghi điểm gửi các khoa, bộ môn; Nhận bảng điểm gốc (sau khi các đơn vị nhập điểm vào hệ thống cơ sở dữ liệu chung), quét bảng điểm gốc đưa công bố trên hệ thống tín chỉ; Kiểm tra giám sát dữ liệu nhập điểm của các đơn vị, giải quyết các đơn từ, yêu cầu về sửa điểm, chuyển điểm, bảo lưu điểm của sinh viên và của các đơn vị; lưu trữ bảng điểm gốc của tất cả các khoá ngành đào tạo; Tổng hợp, xử lý kết quả học tập cuối mỗi học kỳ, thông báo trên hệ thống tín chỉ, in và gửi kết quả cho học sinh, sinh viên và phụ huynh theo yêu cầu.
10. Phối hợp với Phòng Công tác Học sinh, Sinh viên, các khoa đánh giá, phân loại sinh viên cuối kỳ, năm học, khóa học; đề xuất công tác khen thưởng, kỷ luật và xét học bổng khuyến khích học tập cho sinh viên từng học kỳ.
11. Phối hợp với Phòng Thanh tra, ĐBCL, Phòng CTHSSV, Trung tâm DVHTSV, các khoa và bộ môn đánh giá tính phù hợp của sản phẩm đào tạo với yêu cầu người sử dụng lao động, làm cơ sở cho đổi mới chương trình, giáo trình, phương pháp đào tạo.
12. Tiếp nhận đơn và giải quyết cho sinh viên nghỉ học tạm thời, thôi học, trở lại học, học lại cùng khóa sau, chuyển hệ, chuyển trường.
13. Xây dựng kế hoạch thực tập, kiến tập.
14. Chủ trì, phối hợp với Phòng Thanh Tra, Phòng Đảm bảo Chất lượng và các khoa, bộ môn tổ chức các đợt thi, kiểm tra chung toàn trường (thi tuyển vào các chương trình đào tạo, kiểm tra chuẩn đầu ra, kiểm tra trình độ ngoại ngữ, tin học, thi chính trị cuối khoá,...);
Phối hợp với các khoa, bộ môn tổ chức các kỳ thi kết thúc học phần.
15. Lập hồ sơ, tham mưu văn bản, thành lập các tổ chức phục vụ công tác công nhận tốt nghiệp cho học sinh, sinh viên.
16. Quản lý, sử dụng phôi văn bằng, chứng chỉ; quản lý in ấn, cấp phát văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận tốt nghiệp; trả hồ sơ cho sinh viên ra trường.
17. Cấp chứng nhận kết quả học tập, cấp bảng điểm.
18. Dự toán các loại kinh phí chi phục vụ đào tạo (kinh phí tuyển sinh, giờ giảng, thực tập, kiến tập, rà soát chương trình đào tạo, mở ngành đào tạo mới, thi/xét tốt nghiệp, thiết bị và VPP phục vụ đào tạo).
19. Xây dựng, đề xuất và quản lý các hợp đồng thỉnh giảng, liên kết đào tạo cấp bằng chính quy.
20. Thực hiện các biện pháp hỗ trợ cần thiết về mặt học tập đối với lưu học sinh và sinh viên diện đào tạo trong hợp đồng.
21. Quản lý, duy trì, phát triển và hỗ trợ kỹ thuật cho các đơn vị liên quan khai thác sử dụng Hệ thống thông tin sinh viên và Hệ thống thông tin đào tạo đại học.
22. Biên soạn, phát hành niêm giám đào tạo và những ấn phẩm khác phục vụ công tác đào tạo chính quy.
23. Chủ trì, phối hợp với Phòng Đối ngoại và Truyền thông, Phòng Công tác Học sinh Sinh viên, các khoa chuyên môn, và các đơn vị chức năng: lập kế hoạch, tổ chức lễ khai giảng, lễ bế giảng và trao bằng tốt nghiệp.
24. Phối hợp với các đơn vị trong trường thực hiện các nhiệm vụ liên quan tới phạm vi công tác của đơn vị và thực hiện những nhiệm vụ khác theo phân công của Hiệu trưởng.